Ngày 25 tháng 4 năm 1986, thảm họa hạt nhân Chernobyl tàn khốc nhất trong lịch sử đã xảy ra tại Ukraine khi một thí nghiệm kỹ thuật đã thất bại và khiến lò phản ứng hạt nhân số 4 bị tan chảy.
Vụ việc này đã để lại hậu quả khó có thể hồi phục, biến nơi đây trở thành một “cấm địa phóng xạ” nguy hiểm nhất thế giới cũng như gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh vật sinh sống xung quanh khi sự việc xảy ra.
Vụ tai nạn hạt nhân tại nhà máy Chernobyl gây ám ảnh nhân loại suốt nhiều năm trời
Theo ghi nhận, trong suốt 37 năm bị bỏ hoang, các loài động vật tại đây như lợn rừng, nai sừng tấm và hươu, nai châu Âu đã tăng vọt. Trong quá trình nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng loài lợn rừng có chỉ số nhiễm phóng xạ lớn hơn các loài khác mặc dù chúng đều sinh sống trong một môi trường.
Độ phóng xạ ở lợn rừng cao một cách đáng ngạc nhiên
Sau khi thảm họa Chernobyl xảy ra, người dân đã ngay lập tức được khuyến cáo không tiêu thụ các loại nấm và thịt động vật hoang dã tại đây vì chúng có mức độ nhiễm phóng xạ rất cao.
Theo SciDaily, chỉ số phóng xạ Cesium-137 (phóng xạ được phát xa sau thảm họa Chernobyl) có chu kỳ bán rã 30 năm, nghĩa là sau 30 năm, một nửa lượng phóng xạ đã tự phân hủy. Do đó, theo như quy trình thì đến năm 2016, mức độ phóng xạ Cesium-137 trong hầu hết các mẫu thực phẩm (bao gồm cả động vật và thực vật) sẽ chỉ còn một nửa so với thời kỳ đầu.
Mẫu lợn rừng được cho là có chỉ số phóng xạ cao đáng kể so với các loài khác
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là mức độ phóng xạ đo được trong thịt lợn rừng Bavaria tại khu vực này vẫn vượt quá giới hạn quy định một cách đáng kể hoặc có thể nói là mức độ phóng xạ của loài này gần như không đổi sau gần 40 năm.
Vì sao lợn rừng có độ phóng xạ cao?
Sau nhiều năm nghiên cứu, nhờ những phép đo chính xác hơn ở thời điểm hiện tại, một nhóm do Giáo sư Georg Steinhauser tại TU Wien dẫn đầu đã quyết định giải mã nguồn gốc cũng như lượng phóng xạ trong lợn đực.
Tiến sĩ Bin Feng, người thực hiện nghiên cứu tại Viện Hóa học vô cơ tại Đại học Leibniz, Hannover và Trung tâm Atominstitut TRIGA tại TU Wien, giải thích: “Điều này hoàn toàn có thể xảy ra được vì mỗi nguồn đồng vị phóng xạ khác nhau lại có dấu vân tay vật lý khác nhau. Theo đó, Chernobyl không chỉ giải phóng Caesium-137 mà còn giải phóng cả Caesium-135 (một đồng vị Caesium có chu kỳ bán rã dài hơn nhiều) thì việc lợn rừng nhiễm chỉ số phóng xạ cao hơn là có thể giải thích được”.
Việc loài lợn rừng có chỉ số phóng xạ cao là do loài này bị nhiễm cả phóng xạ caesium-135 và caesium-137
Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm được dẫn đầu bởi Giáo sư Georg Steinhauser tại Đại học Công nghệ Vienna cũng có kết luận tương tự về nguồn gốc lượng phóng xạ trong thịt lợn rừng. Họ cho rằng chất phóng xạ caesium là kết quả của cả những vụ nổ vũ khí hạt nhân vào những năm 1960 và cả quá trình sản xuất năng lượng hạt nhân cũng như thảm họa Chernobyl vào năm 1986.
Nhà hóa học phóng xạ Georg Steinhauser cho rằng một nguyên nhân nữa khiến lợn rừng có chỉ số phóng xạ nhiều hơn các loài khác là do thói quen ăn nấm cục của chúng. Theo đó, khi caesium bị giải phóng ra ngoài, nó sẽ thấm qua đất và được nấm hấp thụ. Vào mùa đông, khi ngô và quả sồi trên mặt đất khan hiếm, lợn rừng có thể đã đào đất tìm thức ăn và ăn các loại nấm cục nhiễm phóng xạ caesium khiến cho chỉ số phóng xạ của chúng tăng cao. Điều này cũng giải thích tại sao các quan sát nhận thấy mức độ phóng xạ ở lợn rừng cũng cao hơn vào mùa đông.
Nguồn: Euronews