Con hư do bố mẹ ám thị
ThS.BS Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Viện Tâm lý ứng dụng và phát triển MP cho biết, khi ở Châu Âu, bác sĩ đã đi qua tất cả các nước và nhận thấy trong quá trình dạy con, họ đều có quan điểm chấp nhận con hư trong giai đoạn tuổi dậy thì. Trẻ con hư có thể dạy được nhưng hỏng thì rất khó có thể thành người.
Việc chấp nhận con hư tại một thời điểm nhất định, nhất là tuổi dậy thì, ở các nước Châu Âu là do họ đã có một nền tảng giáo dục cho con từ bé về đạo đức, hành vi, nhận thức, giáo lý trong cuộc sống…
“Khi ai đó hỏi tôi trẻ con ở các nước phát triển có hư không? Tôi có thể khẳng định là có, nhưng nhờ có nền tảng giáo dục sớm đứa trẻ sẽ sớm ổn định và trở lại cuộc sống cân bằng. Có nghĩa là những đứa trẻ ở các nước phát triển hư nhưng có điểm dừng”, bác sĩ Bách nói.
Theo như bác sĩ Bách, khác với nước ngoài, bố mẹ Việt Nam rất sợ con hư. Thay vì thấu hiểu cho con ở tuổi dậy thì bố mẹ lại “to nhỏ” với nhau và đi tâm sự với hết người này tới người kia rằng con hư.
Điển hình là 2 trường hợp gặp phải vấn đề tâm lý đã được bác sĩ Bách điều trị thành công. Đó là trường hợp của một cậu bé học lớp 8. Con thích để tóc dài theo trào lưu của một nhân vật trên mạng xã hội nhưng lại bị mẹ mắng để tóc giống “đầu trộm đuôi cướp”. Lúc này, trẻ có phản ứng đập phá đồ khiến người mẹ sợ và không dám mắng con nữa.
Bác sĩ Bách (Ảnh: Ngọc Minh)
“Tuy nhiên, để tìm cách giải quyết, người mẹ quá lo lắng đã đi chia sẻ với mọi người xung quanh. Và những câu nói từ người xung quanh cho rằng con hư, con mắc vấn đề về tâm thần đã tới tai cậu bé.
Khi tới can thiệp tâm lý, cậu bé nói với tôi: ‘Bố mẹ luôn nghĩ con hư, người ngoài cũng nghĩ con hư vậy thì con sẽ hư thật’. Sau đó, cậu bé đã bỏ học, đi chơi cùng bạn bè và trượt dài theo con đường đó.
Hiện, sau điều trị, con thức tỉnh giá trị của bản thân và đã quay trở lại trường. Con phải học lùi lại 2 năm so với các bạn do nghỉ quá nhiều”, bác sĩ Bách nói.
Một trường hợp khác đó là câu chuyện của một cô bé học lớp 7 cũng gặp phải vấn đề tâm lý do luôn bị bố mẹ nghĩ rằng con hư hỏng. Theo bác sĩ Bách, cô bé này sinh ra trong một gia đình nề nếp tốt. Trước đây bé rất ngoan nhưng khi bước vào lớp 7, con dậy thì và bắt đầu “nổi loạn”.
Bố mẹ cô bé cho rằng con hư. Khi bé nghe thấy bố mẹ nói mình như vậy đã tranh luận và hỏi bố mẹ thế nào là hư. Câu trả lời mà bé nhận lại được từ bố mẹ đó là cãi láo. Sau đó, bé nghỉ học và hút thuốc lá điện tử. Sau khi được điều trị tâm lý, bé cũng đã quay trở lại trường học tập.
Hãy hiểu và đồng hành cùng con
Theo bác sĩ Bách, ở Việt Nam giáo dục nền tảng đang bị khuyết nhiều thứ. Hiện nay các cha mẹ đang bị định hướng theo tư duy giáo dục thế hệ. Ví dụ, ông bà dạy bố mẹ như thế nào thì bố mẹ lại dạy con đúng như vậy. Việc dạy dỗ theo tư duy thế này không nghĩ đến sự phát triển thay đổi của xã hội.
Ở Phương Tây, họ thường có nền tảng giáo dục nhận thức sớm cho trẻ. Bố mẹ cũng hiểu về tâm lý của trẻ nhờ đó đã tạo ra hành lang ổn định cho đứa trẻ phát triển.
“Hiện nay, ở Việt Nam, bố mẹ hoang mang khi con bước vào tuổi dậy thì và tâm lý luôn sợ con hư”, bác sĩ Bách nói.
Ở tuổi dậy thì, trẻ sẽ có những thay đổi đột biến về nội tiết tố, dẫn động thần kinh. Trẻ sẽ ương bướng, chú ý tới hình thể hơn, tư duy nhận thức cá nhân cao. Trẻ sẽ cho rằng mình làm cái gì cũng đúng, thích thể hiện bản thân một cách cao độ nhất.
Bác sĩ Bách cho rằng ở độ tuổi khủng hoảng này không phải bất cứ điều gì bố mẹ nói ra trẻ sẽ cho là đúng, do đó trẻ sẽ có những phản kháng tiêu cực. Do vậy, ở giai đoạn này, bố mẹ cần phải rất kiên trì để có thể hiểu và đồng hành cùng con.
Để đồng hành cùng con, trước hết bố mẹ nên đặt mình vào vị trí của con. “Nhiều người trong số chúng ta cũng đã trải qua một thời gian khủng hoảng tuổi dậy thì cãi bố mẹ, bỏ học đi chơi, để đầu tóc xanh đỏ… Vì vậy, cha mẹ nên hiểu trẻ cũng sẽ có những tâm lý đó”, bác sĩ Bách nói. Hãy lắng nghe con, không nên mang cái tôi, quyền làm cha mẹ để áp đặt tư duy nhận thức cho trẻ. Vì càng áp đặt sẽ tạo ra các ức chế thần kinh khiến con phản kháng lại mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, bố mẹ nên chấp nhận sự thay đổi của con. Điều này, không có nghĩa là bố mẹ thua con mà là sự chấp nhận hình thái khác của con.
Thứ ba, hãy chia sẻ câu chuyện của bố mẹ với con để tạo ra một hành vi đúng về trách nhiệm. Bố mẹ nên xây dựng nhận thức từ sơ khởi cho trẻ trong khoảng 3-5 tuổi; Xây dựng cho trẻ tính kỷ luật hành vi lúc trẻ 6-9 tuổi. Khi bố mẹ xây dựng nhận thức tạo ra cảm xúc tích cực, đứa trẻ lớn lên sẽ biết cảm thông, trách nhiệm, bao dung.
Bác sĩ Bách cho rằng không tạo ra hành lang nhận thức sớm rất khó có thể chia sẻ được với con. Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên quá hoang mang, lo lắng cho rằng con hư. Việc này sẽ dẫn tới áp chế não bộ của bố mẹ và tạo ra ám thị với chính con rằng con là đứa trẻ hư. Ở giai đoạn dậy thì, bố mẹ nên quan sát con nhiều hơn.