Hơn 20.000 người đã mua “bộ não Einstein”
Phần mô tả chi tiết sản phẩm “bộ não Einstein” có nội dung như sau:
“Đây là sản phẩm ảo, không giao hàng bằng hiện vật, sau khi chụp ảnh sẽ tự động chuyển hàng, vui lòng xác nhận đã nhận hàng.” Sau khi chụp ảnh, người bán hàng sẽ tự tìm đến khách hàng và cung cấp các dịch vụ trò chuyện hay một vài hoạt động giải trí vui nhộn nếu có nhu cầu.
Trong phần bình luận, cũng có người tò mò hỏi “Bạn đã mua gì vậy?’’, nhiều người mua đã trả lời “Mua xong sẽ tự động trở nên thông minh hơn”, “Rất dễ dùng, mua xong gặp đề nào cũng biết giải”…
Đa phần mọi bình luận đánh giá các sản phẩm này đểu rất hài hước như:
“Rất hữu ích, mua xong đảm bảo có thể học được phép cộng trừ trong phạm vi dưới 10.”
“Mua xong tôi biết bánh bao rơi xuống đất không được nhặt lên ăn và trời mưa biết chạy vào nhà.”
“Mua xong nhận ra mình rất ngốc, đương nhiên là thông minh hơn rồi”
Bên cạnh sản phẩm là “bộ não Einstein” trên các sàn thương mại điện tử thậm chí còn xuất hiện nhiều loại não bộ khác nhau như: bộ não vui vẻ, bộ não nghệ thuật, bộ não thi cử,… đồng thời kèm theo đó còn là lời ghi chú, nếu cần một loại não bộ nào khác, hãy liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng để được hỗ trợ”.
Những bộ não này có mức giá khác nhau từ 1 hào đến 1 NDT (khoảng 300 – 3000 VNĐ), trong có có những sản phẩm được hơn trăm người mua. Theo dữ liệu bán hàng cho thấy đã có hơn 20.000 người trả tiền để mua sản phẩm “bộ não Einstein” của một gian hàng điện tử.
Thậm chí trong các gian hàng điện tử cũng xuất hiện nhiều sản phẩm ảo chỉ mang tính chất vui đùa tương tự như “Khủng long bạo chúa hoang dã, đã được tiêm phòng, sau khi đặt mua sẽ tự đi bộ đến địa chỉ của bạn”, “voi hoang dã, biết tạo dáng chụp ảnh”… Sau đó, người bán hàng sẽ gửi tin nhắn đến các tài khoản mạng xã hội đã được người mua để lại. Nội dung tin nhắn có thể là một vài tấm ảnh động, video đáng yêu về các loài vật đã được “đặt mua” ở trước đó. Thậm chí có những đơn hàng với tên gọi “Muỗi hoang dã thuần chủng”, người bán sẽ liên tục gửi những âm thanh “vo ve” miêu tả tiếng cánh muỗi đập.
Những người bán được hàng triệu đơn hàng như này mỗi tháng cho biết, hầu hết mọi người sau khi mua hàng sẽ chia sẻ lên trang cá nhân hoặc các nhóm bạn để vui đùa, thỉnh thoảng cũng có người tìm đến để trò chuyện nhưng đa phần những người mua hàng thường vì buồn chán và coi nó như một trò giải trí. Người mua hàng cũng đồng ý rằng, họ mua là vì cảm thấy người bán hàng khá thú vị, hơn nữa giá trị của mỗi đơn hàng cũng không lớn.
Liệu những sản phẩm này có thực sự vô nghĩa?
Chuyên gia tâm lý học Trần Chí Lâm (Trung Quốc) cho biết, sản phẩm mang giá trị cảm xúc như “Bộ não Einstein” trở nên phổ biến trên MXH đã chứng minh tầm quan trọng của cảm xúc trong xã hội đương đại cũng như nhận thức của giới trẻ đối với cảm xúc. Nhiều người trẻ cảm thấy rất nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống, hoang mang về tương lai và cần tìm những điểm tựa về mặt tâm lý.
“Việc mua sản phẩm cảm xúc như trên không tốn quá nhiều chi phí nhưng có thể mang lại những giây phút hài lòng, hạnh phúc. Trong nhịp sống hiện đại hối hả ngày nay, trải nghiệm những cảm xúc đơn giản nhưng thú vị như này có thể trở thành một cách thư giãn.”
Chuyên gia cũng cho biết “bộ não của Einstein” thực sự hữu ích ở một mức độ nhất định.
“Nhiều trường tổ chức những buổi đại hội động viên trước các kỳ thi đại học. Đại hội này thực chất không thể nâng cao kiến thức cho học sinh hay giảm bớt độ khó của kỳ thi, tuy nhiên, chúng có thể giúp học sinh làm bài thi với trạng thái tâm lý tốt hơn. Và bộ não Einstein cũng có tác dụng tương tự. Khi mua nó, phần nào đó bạn sẽ có cảm giác nhận được trí tuệ của Einstein, và khi bước vào phòng thi với niềm vui, sự tự tin, ngay cả khi mức độ niềm tin chỉ tăng lên 1%, hiệu suất thi cử cũng sẽ tốt hơn bình thường. Mọi người thường nói, niềm tin mang đến thành công, một phần trong đó cũng là sự thật.”
Tuy nhiên, những sản phẩm này cũng chỉ có thể xoa dịu cảm xúc ở một mức độ nhất định chứ không thể hoàn toàn dựa vào nó để lấy điểm cao trong các kỳ thi hay điều trị các vấn đề về tâm lý.
“Cho dù là lực chọn mua sản phẩm tinh thần hay tư vấn tâm lý trong thực tế, điều này cũng cho thấy một điều, thực chất người này đang cần được hỗ trợ về mặt tâm lý.
Ví dụ như, một học sinh vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học và đang chờ điểm, dù như nào trong lòng vẫn tồn tại cảm giác bất an. Lúc này, một lá bùa may mắn cũng có thể ổn định lại tinh thần và giải tỏa tâm trạng.” – Trần Chí Lâm cho biết.
Bên cạnh những sản phẩm mang tính chất vui vẻ, tích cực như “bộ não Einstein” cũng bắt đầu xuất hiện những sản phẩm mang ý nghĩa tiêu cực như “sản phẩm khiến IQ người nhận quay về 0” hoặc “muỗi hoang thuần chủng khổng lồ, đặt xong rời đi ngay, vui lòng ghi tên “bạn thân” nhận được”… Những điều này dù không thể trực tiếp hại người khác nhưng lại vô tình là một “món ăn độc hại” đối với tâm lý người mua sản phẩm. “Việc muốn nhìn thấy người khác đau khổ không phải điều lành mạnh cho tâm lý của chính mình.” – chuyên gia chia sẻ.
Những sản phẩm mang giá trị tinh thần ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Thay vì cho rằng chúng hoàn toàn vô nghĩa, có thể nhìn nhận rằng một phần nào đó trong những sản phẩm này chứa đựng cách giải tỏa cảm xúc đơn giản và ít tốn kém. Khi những người trẻ đang tìm kiếm một “lối thoát” để bình ổn cảm xúc bên trong mình, cũng có thể là lúc họ đang mong muốn nhận được sự chăm sóc về tâm lý nhiều hơn từ xã hội.