Khi nào “mỗi nhà đều có một hoa hậu”?
Đầu năm 2023, trong chương trình Táo quân phát sóng trên VTV3, nhân vật Nam Tào (do Xuân Bắc thủ vai) đưa ra một mục tiêu lớn: “Tìm tinh tú của các tinh tú, hoa hậu của các hoa hậu. Phấn đấu làm sao mỗi gia đình đến năm 2030 có từ 1 – 2 hoa hậu”. Mặc dù chỉ là một câu nói gây cười, nhưng với tốc độ phát triển của các cuộc thi nhan sắc hiện tại, điều Xuân Bắc nói không phải là không có cơ sở.
Trái với thông lệ xưa cũ khi các cuộc thi hoa hậu chỉ có vào năm chẵn, năm 2023 đã chứng kiến tới hàng chục người đẹp Việt đăng quang ngôi vị Hoa hậu, Á hậu trong các cuộc thi lớn nhỏ. Bên cạnh các cuộc thi được coi là lớn như Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, Hoa hậu Hoàn vũ 2023, Miss Grand Vietnam 2023 (Hoa hậu Hoà bình Việt Nam), còn có sự xuất hiện của một loạt sân chơi khác như: Hoa hậu Đại sứ Du lịch Việt Nam 2023, Hoa hậu Nhân ái Việt Nam 2023… Sáng nay (25/8), nữ sinh tới từ Sóc Trăng Trần Thị Thu Uyên đăng quang ngôi vị Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023, nối dài danh sách những cô gái mang trên mình vương miện.
Sự xuất hiện liên tiếp của nàng hậu khiến khán giả trở nên ngán ngẩm. Trên mạng xã hội, không ít bình luận khẳng định, họ không thể nhớ mặt, nhớ tên các cô gái đã đăng quang, trừ Miss World Vietnam Huỳnh Trần Ý Nhi với một loạt những lùm xùm về ứng xử. Nhiều ý kiến cũng than phiền về chất lượng của các thí sinh trong những cuộc thi, cả về nhan sắc và trình độ văn hoá, giao tiếp.
Nếu như các cuộc thi hoa hậu trong quá khứ coi trọng vẻ đẹp tự nhiên, hiện tại, quan niệm đó đã trở thành cũ kỹ. Ngoại trừ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, những cuộc thi khác như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đều chấp nhận những thí sinh đã qua thẩm mỹ. Cởi mở hơn, một số cuộc thi không ngại ngần mở rộng điều kiện cho các thí sinh tham dự. Hoa hậu Áo dài Việt Nam chấp nhận thí sinh có độ tuổi tới 45, cũng như đã lập gia đình. Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam tuyên bố chiêu mộ thí sinh từ tuổi 13, khi các em chưa kịp trưởng thành, nhưng may mắn chưa kịp tổ chức thì đã bị tuýt còi vì không được cấp phép.
Trong một lần chia sẻ với truyền thông, “bà trùm Hoa hậu” Phạm Kim Dung từng không giấu giếm tham vọng mở ra ngành công nghiệp nhan sắc tại Việt Nam. Ở đó, những cuộc thi người đẹp sẽ được tổ chức liên tiếp, quy mô, dàn người đẹp sau khi đăng quang hoạt động bài bản và thống nhất dưới sự điều hành của công ty chủ quản.
“Cơn sốt” hoa hậu kéo dài bao lâu?
Thực tế cho thấy, các cuộc thi hoa hậu từ lâu đã không còn nhận được nhiều sự quan tâm ở các quốc gia phát triển. Sự chật vật của những người đẹp sau khi đăng quang hoa hậu tại Anh, Mỹ, việc tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) bán bản quyền cho tỷ phú Thái Lan, hay số lượng khán giả bình chọn áp đảo cho các thí sinh đến từ Việt Nam, Philippines, Thái Lan tại mỗi cuộc thi nhan sắc quốc tế cho thấy những sân chơi này chỉ còn thịnh hành ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Mục đích của việc chọn ra các cô gái đăng quang Hoa hậu cũng ngày càng trở nên lệch lạc. Thay vì tập trung vào các dự án cộng đồng và truyền cảm hứng cho giới trẻ như tuyên bố khi giành vương miện, các người đẹp hiện nay đa phần tham gia sự kiện, chụp ảnh quảng cáo, chỉ làm từ thiện theo chiến dịch của công ty quản lý. Thứ lớn nhất họ truyền tải được tới cộng đồng có lẽ là việc thay đổi cuộc đời nhờ có nhan sắc, rằng chỉ cần có danh hiệu, cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Điều này vô hình trung trở thành “con dao hai lưỡi” đối với nhiều cô gái trẻ.
Chia sẻ với PV Dân Việt về việc một loạt cuộc thi nhan sắc ra đời, Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân từng cho rằng đó đơn giản là xu thế của thị trường, đáp ứng quy luật cung – cầu hiện có. “Tại một đất nước mà người dân ưa chuộng các cuộc thi sắc đẹp, ắt hẳn sẽ có những người kinh doanh, phát triển thị trường này. Có thể trên truyền thông hay mạng xã hội, chúng ta hay nói về việc nở rộ các cuộc thi hoa hậu. Nhưng nếu không ai quan tâm thì những cuộc thi đó liệu có xuất hiện và tồn tại”.
Trong khi đó, nhà thơ Dương Kỳ Anh, “cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng bày tỏ sự lo ngại trước việc xuất hiện quá nhiều cuộc thi nhan sắc: “Thời điểm vừa qua là giai đoạn bùng nổ của những cuộc thi về sắc đẹp. Có thể hiểu được điều này một phần là bởi trước đó có thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều cuộc thi không thể tổ chức. Tuy nhiên, việc có quá nhiều cuộc thi, đặc biệt là những cuộc thi lần đầu được tổ chức và vô số những cuộc thi mới khiến cho tình trạng bùng nổ hoa hậu diễn ra. Nhiều người đã nói vui với nhau là “bội thực hoa hậu” hay “ra đường là gặp hoa hậu”.
Đây là một thực trạng rất đáng báo động và cần được xem xét. Bởi lẽ việc bùng nổ các cuộc thi hoa hậu với tần suất và số lượng lớn sẽ dẫn đến tình trạng khó kiểm soát trong công tác tổ chức, chất lượng nhan sắc, tài năng của thí sinh. Bên cạnh đó còn nhiều tranh cãi có thể xảy ra đằng sau những cuộc thi được tổ chức một cách ồ ạt”.
Sự “bão hoà” của các cuộc thi hoa hậu 2 năm trở lại đây tạo nên nhiều bất bình trong dư luận, nhưng xét ở một khía cạnh khác, đây có thể cũng là một tín hiệu tích cực, nhằm trả lại đúng vị trí cho những cuộc thi nhan sắc. Thay vì việc coi người đăng quang hoa hậu là biểu tượng của vẻ đẹp Việt Nam, đỉnh cao của vẻ đẹp và trí tuệ, đã đến lúc công chúng chỉ nên nhận ra họ đơn thuần chỉ là người chiến thắng trong một cuộc thi, bởi đơn giản họ đã đáp ứng tốt nhất những tiêu chí mà cuộc thi đó đặt ra. Chỉ khi hiệu ứng của các cuộc thi người đẹp không còn quá lớn, những nhãn hàng không còn “dốc” ngân sách tài trợ cho những sự kiện này thì tình trạng “loạn” hoa hậu mới bị xoá bỏ.