January 23, 2025

Phan Thế Hữu Toàn và niềm đam mê “Dọc đường gió bụi”

[lastupdated] - Lượt Views:

  • Một Di tích lịch sử được xếp hạng ở Hải Phòng bị mất 17 hiện vật
  • TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Phá đường dây rửa tiền gần 30.000 tỷ đồng; nam shipper bị đánh tử vong
  • Diễn biến mới nhất vụ nam shipper bị đánh tử vong ở Đà Nẵng

  • Trên tay tôi là cuốn “Dọc đường gió bụi” (Phan Thế Hữu Toàn, NXB Hội Nhà văn, 2023) dày dặn trên 250 trang, với 35 bút ký của một cây bút giàu tìm tòi phát hiện. Trong tập sách, bạn đọc được dịp diện kiến, sống cùng những phẩm chất khác biệt của những con người mà anh đã gặp, đồng cảm, tin yêu, say mê. Ngồn ngộn chất sống, ngồn ngộn nỗi đời trong bút ký của Phan Thế Hữu Toàn.

    Phan Thế Hữu Toàn & niềm đam mê “Dọc đường gió bụi” - Ảnh 1.

    Nhà văn, nhà báo Phan Thế Hữu Toàn. Ảnh: Hùng Phiên

    Đó là cuộc tình vượt lên nghịch cảnh số phận của chàng thi sĩ mù ở Phú Yên và cô giáo mầm non từ vùng chè Thái Nguyên “chấp nhận kết duyên chồng vợ với chàng thi sĩ mù là đến với môi trường cuộc sống mới hết sức xa lạ. Mùa hè năm đó, Hạnh Vân rời quê làm một chuyến du hành vào Nam Trung bộ. Không hẹn trước nên chàng thi sĩ mù bất ngờ khi nghe giọng nói trong băng cassett đang hóa thành hơi thở ấm áp rất gần” (Chàng thi sĩ mù và chuyện tình đẹp như cổ tích).

    Đó là Nghệ sĩ nhiếp ảnh FIAP Lê Châu Đạo từ quê nghèo gốc rạ Tuy An đã tỏa sáng tên tuổi bằng niềm đam mê cháy bỏng, với tâm tình bộc trực: “Học vấn không cao, vốn liếng chữ nghĩa không nhiều, tui phải tìm đến với “ngôn ngữ” hình ảnh để bày tỏ những ước vọng của riêng mình” (Gã nghệ sĩ chân đất).

    Đó là chân dung đầy ám ảnh, thi vị về cuộc đời và quan niệm nghệ thuật độc đáo của văn tài người xứ Nẫu Ngô Phan Lưu. Phan Thế Hữu Toàn nhận xét tinh tế “không ít người thích làm sang khi tìm cách che giấu gốc gác nhà quê “rặt” để xúng xính áo quần, khoe khoang mình là dân thị thành, có học thức cao. Ngược lại, Ngô Phan Lưu luôn tự hào mỗi khi có người gọi ông là “nhà văn nông dân”. Có điều là ông nông dân này luôn cần mẫn “cày” trên cánh đồng chữ nghĩa, chắt lọc vốn sống chân quê để gửi gắm trên những trang viết đầy trải nghiệm mới là tài hoa” (Lão nông đùa với văn chương).

    Phan Thế Hữu Toàn & niềm đam mê “Dọc đường gió bụi” - Ảnh 2.

    Tập bút ký “Dọc đường gió bụi” của Phan Thế Hữu Toàn. Ảnh: Hùng Phiên

    Hết sức thú vị khi trong “Dọc đường gió bụi”, tôi bắt gặp những bút ký đầy chất thơ lung linh hoài niệm của tác giả. “Mấy lần mưa giông bất chợt ập đến, ba đẩy tôi vào trong nhà để tránh sét, còn ba hối hả thu gom rơm lúa đang phơi trên bờ mương để chất giồng bên bờ rào cây xanh. Đang dầm mình giữa nắng mồ hồi thấm đẫm lưng áo lại gặp mưa giông bất chợt nên ướt át dầm dề khiến cho hôm sau ba bị cảm sốt, nhưng cũng tự mình đi hái lá cây thuốc nam quanh làng về nấu nồi xông hơi giải cảm, vì khi ấy có được ít tiền ba cũng để dành cho anh em tôi mua sách vở” (Nhớ những cơn mưa giông thủa ấy).

    Nhà văn Lê Đức Dương bày tỏ: “Phan Thế Hữu Toàn song hành ngòi bút nhà văn của mình trên đường hành nghề báo chí. Văn và báo đều hiểm nguy, đày ải, chưa chắc cái nào bổ sung cho cái nào. Thế nhưng không “cuốn theo chiều gió” của nghề báo thì chưa chắc anh gặp được những con người, những tấm lòng sâu nặng để phổ lên những bút ký nồng nàn. Bút ký Phan Thế Hữu Toàn đầy tính phát hiện, dạt dào hình ảnh, chất chứa tình đất tình người của một sự sống âm trầm mà mãnh liệt, bao dung”.

    Phan Thế Hữu Toàn (Phan Văn Lương) sinh năm 1966; quê quán Tiên Châu, An Ninh Tây, Tuy An, Phú Yên. Hội viên Hội VHNT Phú Yên, Phóng viên Báo Công an nhân dân. Tác phẩm đã xuất bản: “Bình yên cho ngày thường” (tập truyện ký, 1991); “Những cuộc đấu trí” (tập truyện ký, 2003); Dung dị đời thường (tập bút ký, 2009); Hoài niệm hoa sim (tập truyện ngắn, 2013); Mùa gặt (tập truyện dài, 2016); Dọc đường gió bụi (tập bút ký, 2023). Giải B, Giải thưởng VHNT Phú Yên lần thứ 4 (2010-2015) tập truyện ngắn Hoài niệm hoa sim; Giải B, Giải thưởng VHNT Phú Yên lần thứ 5 (2016-2020) tập truyện dài Mùa gặt.