Tòa tuyên cao nhất 4 án tù chung thân
1. Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng, tù chung thân.
2. Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, tù chung thân.
3. Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng, tù chung thân.
4. Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, 16 năm tù.
5. Đỗ Hoàng Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng, 12 năm tù.
6. Vũ Sỹ Cường, nguyên cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 9 tỷ đồng, 9 năm tù.
7. Trần Văn Dự, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, 7 năm tù.
8. Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận hối lộ 5 tỷ đồng, 6 năm tù.
9. Nguyễn Quang Linh, nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 4 tỷ đồng, 7 năm tù.
10. Nguyễn Tiến Thân, nguyên chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, 5 năm tù.
11. Nguyễn Thanh Hải, nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, 6 năm tù.
12. Nguyễn Mai Anh, nguyên chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ 3 tỷ đồng, 6 năm tù.
13. Nguyễn Hồng Hà, nguyên Tống Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng, 4 năm tù.
14. Chử Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng, 3 năm tù.
15. Vũ Hồng Quang, nguyên Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, nhận hối lộ gần 2 tỷ đồng, 4 năm tù.
16. Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng, 30 tháng tù.
17. Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ gần 1,8 tỷ đồng, 42 tháng tù.
18. Ngô Quang Tuấn, nguyên chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải, nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng, 4 năm tù.
19. Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 18,8 tỷ đồng, tù chung thân.
20. Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 5,7 tỷ đồng và đưa hối lộ gần 800 triệu đồng, tổng mức án 18 năm tù.
21. Vũ Ngọc Minh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Angola, nhận hối lộ 864 triệu đồng, 30 tháng tù.
22. Lưu Tuấn Dũng, nguyên Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 500 triệu đồng, 18 tháng tù.
23. Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, cùng đưa hối lộ hơn 100 tỷ đồng, 11 năm tù.
24. Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, cùng đưa hối lộ hơn 100 tỷ đồng, 10 năm tù.
25. Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty An Bình, đưa hối lộ hơn 34 tỷ đồng, 7 năm tù.
26. Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, đưa hối lộ gần 28 tỷ đồng, 7 năm tù.
27. Vũ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, đưa hối lộ hơn 24 tỷ đồng, 3 năm tù treo.
28. Bị cáo Hoàng Anh Kiếm, đưa hối lộ hơn 22,8 tỷ đồng, 6 năm tù.
29. Bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA Việt Nam, đưa hối lộ gần 12 tỷ đồng, 4 năm tù.
30. Bị cáo Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Minh Ngọc, đưa hối lộ gần 11 tỷ đồng, 4 năm tù; cộng 30 tháng tù trong vụ án khác, bằng 6 năm 6 tháng tù.
31. Bị cáo Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh, đưa hối lộ hơn 9,5 tỷ đồng, 3 năm tù.
32. Bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty MasterLife, đưa hối lộ hơn 8 tỷ đồng, 3 năm tù.
33. Bị cáo Lê Thị Ngọc Anh, cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, đưa hối lộ hơn 7,6 tỷ đồng, 3 năm tù.
34. Bị cáo Nguyễn Thị Hiền, đưa hối lộ 4,1 tỷ đồng, 30 tháng tù.
35. Bị cáo Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Vijasun, đưa hối lộ hơn 3,5 tỷ đồng, 3 năm tù treo.
36. Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G 19 Việt Nam, đưa hối lộ hơn 3 tỷ đồng, 30 tháng tù.
37. Bị cáo Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sao Hà Nội, đưa hối lộ hơn 2,3 tỷ đồng, 30 tháng tù treo.
38. Bị cáo Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Đầu tư và Thương mại Thuận An, đưa hối lộ hơn 2 tỷ đồng, 30 tháng tù treo.
39. Bị cáo Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty Sang Trọng, đưa hối lộ hơn 1,6 tỷ đồng, 24 tháng tù treo.
40. Bị cáo Trần Hồng Hà, Giám đốc Công ty Quốc tế Sao Việt, đưa hối lộ hơn 1,6 tỷ đồng, 24 tháng tù treo.
41. Bị cáo Phạm Bích Hằng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế, đưa hối lộ gần 1,2 tỷ đồng, 20 tháng tù.
42. Bị cáo Trần Việt Thái, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 4 năm tù.
43. Bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh, nguyên Bí thư thứ Hai, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 30 tháng tù.
44. Bị cáo Nguyễn Hoàng Linh, nguyên Bí thư thứ Hai, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 30 tháng tù.
45. Bị cáo Đặng Minh Phương, nguyên cán bộ Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 18 tháng tù.
46. Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội, môi giới hối lộ hơn 61,6 tỷ đồng, 5 năm tù, phạt tiền 50 triệu đồng.
47. Bị cáo Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam, môi giới hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng, 3 năm tù.
48. Bị cáo Bùi Huy Hoàng, nguyên chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, môi giới hối lộ hơn 3,3 tỷ đồng, 30 tháng tù, phạt tiền 50 triệu đồng.
49. Bị cáo Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra Chính phủ, môi giới hối lộ gần 2 tỷ đồng, 15 tháng tù.
50. Bị cáo Lý Tiến Hùng, nguyên Bí thư thứ Nhất, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, nhận hối lộ hơn 400 triệu đồng, 30 tháng tù.
51. Bị cáo Trần Tiến, Giám đốc Công ty Phi, đưa hối lộ hơn 600 triệu đồng, 18 tháng tù treo.
52. Phạm Bá Sơn, nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa, đưa hối lộ 520 triệu đồng, 18 tháng tù treo.
53. Bị cáo Tào Đức Hiệp, Giám đốc Công ty Công đoàn Đường sắt, đưa hối lộ hơn 485 triệu đồng, 18 tháng tù treo.
54. Bị cáo Đào Thị Chung Thúy, đưa hối lộ hơn 437 triệu đồng, 15 tháng tù treo.
Hình phạt bổ sung: Phạt tiền tất cả nhóm bị cáo bị cáo buộc nhận hối lộ – 100 triệu đồng.
Không tuyên án tử hình cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế
Trong vụ án, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỷ đồng. Hội đồng xét xử thấy mức tử hình Viện kiểm sát đề nghị áp dụng cho bị cáo là tương xứng. Tuy nhiên, quá trình truy tố, xét xử, bị cáo Kiên đã thay đổi lời khai, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tác động gia đình khắc phục tổng số hơn 42 tỷ đồng; có bố đẻ và bố vợ là thương binh…
Hội đồng xét xử thấy không cần phải loại bỏ vĩnh viễn bị cáo khỏi xã hội, chỉ cần áp dụng hình phạt tù để khuyến khích những người phạm tội ra đầu thú; đảm bảo giáo dục riêng, phòng ngừa chung.
Cần mức án nghiêm cho nhóm nhận hối lộ
Theo tòa án, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình, tạo dư luận xấu trong nhân dân. Nhóm nhận hối lộ đều có chức vụ quyền hạn nhưng lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho buộc donah nghiệp đưa hối lộ.
Thủ đoạn nhận hối lộ có 2 trường hợp, gồm mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền hoặc gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm buộc doanh nghiệp chi tiền “bất thành văn” mới được cấp phép chuyến bay. Một số bị cáo còn thông đồng, chia sẻ nhau tiền nhận hối lộ nên cần xử phạt nghiêm.
Với nhóm cựu cán bộ tại Malaysia, đứng đầu là cựu Đại sứ Trần Việt Thái, tòa xác định họ là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm thực thi công vụ nhưng khi làm nhiệm vụ đã vụ lợi, thu tiền của những người mãn hạn tù vượt mức quy định. Do vậy, họ phạm tội “Lợi dụng, chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; ông Thái phải chịu trách nhiệm chính.
Nhóm môi giới hối lộ, gồm cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, tòa án xác định họ lợi dụng sự thân quen với các cá nhân có thẩm quyền, giúp một số doanh nghiệp, cá nhân đưa tiền để được cấp phép chuyến bay hoặc “chạy án”. Riêng ông Tuấn còn bị xác định môi giới số tiền đặc biệt lớn – 1,8 triệu USD nên cần mức hình phạt nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Clip HĐXX nhận định về hành vi của bị cáo Hoàng Văn Hưng.
Hoàng Văn Hưng bị xác định lừa đảo chạy án
Theo Hội đồng xét xử: Cũng theo án sơ thẩm, Hoàng Văn Hưng là điều tra viên cao cấp, được phân công điều tra vụ chuyến bay giải cứu. Anh nhiều lần gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà Nguyễn Anh Tuấn, cựu Thiếu tướng, Phó giám đốc Công an Hà Nội.
Tại các buổi gặp, Hưng hướng dẫn Hằng và thông qua Hằng hướng dẫn Lê Hồng Sơn khai báo. Do vậy, Hằng, Sơn chi tiền, nhờ ông Tuấn đưa cho Hưng “chạy án”.
Ông Tuấn khai đã chuyển 2,2 triệu USD nhận từ Hằng để Hưng lo cho Hằng, Sơn không bị xử lý hình sự. Hoàng Văn Hưng bác bỏ, nói không nhận tiền nhưng anh ta xác nhận nhiều lần gặp Hằng và có nhận chiếc cặp tại trụ sở cơ quan.
Dù Hưng khai không nhận tiền, Hội đồng xét xử thấy từ tháng 1/2022 – 9/2022, Hưng được phân công điều tra vụ án và sau tháng 9/2022, bị điều chuyển công tác, anh ta biết quy định không được tiếp xúc ngoài trụ sở với người bị điều tra nhưng vẫn gặp Hằng tại nhà Tuấn, ngoài giờ làm việc, không báo cáo cấp trên.
Đầu tháng 10/2022, Hưng trao đổi với ông Tuấn nội dung Viện kiểm sát căng thẳng với Sơn, một số điều tra viên cũng nói phải xử lý Sơn nên cần chi tiền để ủng hộ không xử lý Sơn. Hằng ghi chép 13 lần chuyển tiền cho Tuấn để đưa cho Sơn.
Lúc này, Hưng còn nói mình bị chuyển công tác chỉ là hành chính, anh ta vẫn phụ trách vụ án. Hưng nói Viện kiểm sát chê ít, có nghĩa phải chi gấp đôi. Hằng nói khi đưa tiền, Tuấn gọi điện lại để cô ta yên tâm việc Hưng đã nhận tiền.
Căn cứ dữ liệu điện tử, lời khai nhân chứng, Hưng có nhận chiếc cặp đựng 450.000 USD do Tuấn gửi đến. Sau khi nhận, giữa Hưng, Tuấn và Hằng có gặp nhau và Hằng, Tuấn hỏi có kiểm soát tình hình không? Hưng nói “vẫn kiểm soát, việc bắt Sơn là bất khả kháng vì A01 gay gắt, có thể do em chưa kịp xử lý A01 nên A01 xử lý Sơn”.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng làm đúng quy định; Viện kiểm sát có hỏi cung Hoàng Văn Hưng sau khi bắt và yêu cầu anh ta tự bào chữa, cung cấp thông tin nhưng chính bị cáo từ chối, chủ tọa nêu.
Bị cáo Hưng còn khai không có mâu thuẫn gì với nhóm Hằng, Sơn còn ông Tuấn là người “có ân tình, giúp đỡ bị cáo”. Vì vậy, không có căn cứ thể hiện 3 người này vu khống anh ta.
Ngoài lời khai của ông Tuấn và bị cáo Hằng, phía điều tra còn thu thập lời khai của bị cáo Sơn và các nhân chứng; nội dung các lời khai đều thống nhất và có chứa thông tin bí mật điều tra; nếu Hưng không nói, nhóm này sẽ không biết.
Ngược lại, tòa án đánh giá lời khai của Hoàng Văn Hưng không thống nhất, không trung thực nên không có căn cứ chấp nhận. Hội đồng xét xử khẳng định anh ta lợi dụng chức vụ Trưởng phòng thuộc cơ quan điều tra để cung cấp một số thông tin cho ông Nguyễn Anh Tuấn và Hằng.
Cựu điều tra viên sau đó yêu cầu phải chi tiền cho Viện kiểm sát, cục nghiệp vụ… để “chạy án”. Thông qua ông Tuấn, Hoàng Văn Hưng nhận tiền của bị cáo Hằng nên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; việc Hưng kêu oan không có cơ sở chấp nhận.
Hội đồng xét xử khẳng định việc nhận tiền “cảm ơn” là nhận hối lộ
Theo Hội đồng xét xử: Một số bị cáo cho rằng không đòi hỏi, sách nhiễu doanh nghiệp; sau khi cấp phép chuyến bay, họ chỉ nhận tiền cảm ơn, không phải nhận hối lộ. Hội đồng xét xử thấy, Điều 354 Bộ luật Hình sự và Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định không được nhận quà tặng liên quan công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi đơn vị mình giải quyết.
Thời điểm cấp phép các chuyến bay, nhiều doanh nghiệp khó khăn, bị từ chối hoặc không trả lời. Có doanh nghiệp nhận phê duyệt trước một ngày nên thua lỗ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp liên hệ các bị cáo đặt vấn đề nhờ vả, xin cấp phép chuyến bay nhiều hơn với nhiều khách hơn và cấp phép sớm. Chỉ có Phạm Trung Kiên và một số người sách nhiễu, các bị cáo khác không đòi hỏi chi phí nhưng hứa hỗ trợ các doanh nghiệp thân quen rồi nhận tiền cảm ơn. Số tiền này dựa trên số chuyến bay, số khách, cân đối lợi ích của doanh nghiệp, có lần lên tới hàng tỷ đồng. Việc nhận tiền diễn ra nhiều lần với số lượng vượt hàng trăm lần thu nhập bình thường.
Tại tòa, các bị cáo thuộc doanh nghiệp khai không đưa tiền sẽ không được tạo điều kiện; việc đưa tiền là chia sẻ lợi ích, mong được tiếp tục cấp phép. Như vậy, Hội đồng xét xử khẳng định việc nhận tiền “cảm ơn” là nhận hối lộ; không chấp nhận ý kiến của các bị cáo nói chỉ là cảm ơn.
Với nhóm đưa hối lộ, Hội đồng xét xử xác định họ đưa tiền cho nhiều bị cáo để mong muốn được tạo điều kiện. Có doanh nghiệp đưa nhiều lần, số lượng đặc biệt lớn và sau đó, họ được ưu ái tổ chức chuyến bay nhiều hơn tại những thị trường mong muốn.
Việc đưa tiền để mang lại lợi ích là đưa hối lộ, theo Hội đồng xét xử. Các ý kiến bào chữa nói đây là tiền cảm ơn theo văn hóa người Việt là không chấp nhận được.
Tổng số tiền trong vụ án chuyến bay giải cứu
Sau khi tóm tắt diễn biến tại tòa trong 2 tuần trước, Hội đồng xét xử nhận định, các quyết định tố tụng trong vụ án không có khiếu nại, tất cả đều đúng quy định. Về nội dung, trong vụ án có 25 người khác bị cáo buộc nhận hối lộ gần 167 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng số tiền trên 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo 24,5 tỷ đồng.
Theo Thẩm phán, chủ tọa Nguyễn Quang Huy, do bản án dài, nội dung bản cáo trạng đại diện Viện kiểm sát đã đọc đầu phiên toà nên không đọc lại.
Tiếp tục phiên toà, Thẩm phán Vũ Quang Huy đọc lý lịch các bị cáo…
14h chiều nay, chủ tọa Vũ Quang Huy thay mặt Hội đồng xét xử tuyên án sơ thẩm. Ông Chử Xuân Dũng muốn phát biểu nhưng bị bác với lý do, đã thông qua bản án, ông Dũng có ý kiến cần làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền.
Các bị cáo được dẫn giải đến tòa chiều nay.
Các bị cáo bị đề nghị cao nhất án tử hình, thấp nhất 12 – 18 tháng tù cho hưởng án treo
14 giờ hôm nay, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ tuyên án các bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương.
Clip đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Nhóm bị cáo ở Văn phòng Chính phủ bị VKS đề nghị mức án:
Nguyễn Quang Linh – cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 4 tỷ đồng, từ 7 – 8 năm tù;
Nguyễn Tiến Thân – cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, từ 6 – 7 năm tù;
Bị cáo Nguyễn Quang Linh – cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: BT
Nguyễn Thanh Hải – cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, từ 7 – 8 năm tù;
Nguyễn Mai Anh – cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ 3 tỷ đồng, từ 6 – 7 năm tù.
Nhóm bị cáo ở Bộ Ngoại giao bị đề nghị mức án:
Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, từ 12 – 13 năm tù;
Nguyễn Thị Hương Lan – cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng, từ 18 – 19 năm tù;
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Ảnh: BT
Đỗ Hoàng Tùng – cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng, từ 9 – 10 năm tù;
Lê Tuấn Anh – cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ gần 1,8 tỷ đồng, từ 4 – 5 năm tù;
Lưu Tuấn Dũng – cựu Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 500 triệu đồng, từ 2 – 3 năm tù;
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan. Ảnh: BT
Vũ Hồng Nam – cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng, từ 4 – 5 năm tù;
Nguyễn Hồng Hà – cựu Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng, từ 5 – 6 năm tù;
Vũ Ngọc Minh – cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola, nhận hối lộ 864 triệu đồng, từ 3 – 4 năm tù;
Lý Tiến Hùng – cựu Bí thư thứ Nhất Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, nhận hối lộ hơn 400 triệu đồng, từ 2 – 3 năm tù;
Trần Việt Thái – cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, từ 5 – 6 năm tù;
Nguyễn Lê Ngọc Anh – cựu Bí thư thứ Hai, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, từ 4 – 5 năm tù;
Nguyễn Hoàng Linh – cựu Bí thư thứ Hai, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, từ 4 – 5 năm tù;
Đặng Minh Phương – cựu cán bộ Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, từ 2 – 3 năm tù.
Nhóm bị cáo ở Bộ Y tế bị đề nghị mức án:
Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng, bị đề nghị tử hình;
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên. Ảnh: Bảo vệ pháp luật
Bùi Huy Hoàng – cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, môi giới hối lộ hơn 3,3 tỷ đồng, từ 3 – 4 năm tù.
Nhóm bị cáo ở Bộ Giao thông Vận tải bị đề nghị mức án:
Ngô Quang Tuấn – cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Giao thông Vận tải, nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng, từ 5 – 6 năm tù;
Vũ Hồng Quang – cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, nhận hối lộ gần 2 tỷ đồng, từ 5 – 6 năm tù.
Nhóm bị cáo ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an bị đề nghị mức án:
Vũ Sỹ Cường – cựu cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 9 tỷ đồng, từ 8 – 9 năm tù;
Vũ Anh Tuấn – cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, từ 19 – 20 năm tù;
Trần Văn Dự – cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, từ 9 – 10 năm tù.
Hai bị cáo là cựu lãnh đạo 2 địa phương là Hà Nội, Quảng Nam bị đề nghị:
Chử Xuân Dũng – cựu Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng, từ 4 – 5 năm tù;
Bị cáo Chử Xuân Dũng – cựu Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hải
Trần Văn Tân – cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận hối lộ 5 tỷ đồng, từ 8 – 9 năm tù.
Với bị cáo Hoàng Văn Hưng – cựu điều tra viên Bộ Công an, người này bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 18,8 tỷ đồng, bị đề nghị từ 19 – 20 năm tù.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – cựu Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội bị xác định môi giới hối lộ hơn 61,6 tỷ đồng, bị đề nghị từ 6 – 7 năm tù.
Ngoài những bị cáo nêu trên, các bị cáo đại diện các doanh nghiệp và đối tượng trung gian cũng bị đề nghị mức án tương xứng.
Một số bị cáo lập lờ, đánh lận, đánh tráo khái niệm
Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội, trong vụ án có 21/54 bị cáo bị truy tố tội “Nhận hối lộ” xảy ra tại một số bộ, ngành, địa phương. Quá trình điều tra, truy tố và thẩm vấn công khai tại phiên tòa xác định, các bị cáo đã có hành vi nhận tiền của các doanh nghiệp để đề xuất, trình duyệt, duyệt, phát hành công văn để cấp phép các chuyển bay đưa công dân về nước.
Trong phần thẩm vấn có một số bị cáo lập lờ, đánh lận, cho rằng hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn. Đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội.
Do vậy, cần phải nhận thức cho đúng đắn để loại bỏ văn hóa phong bì ra khỏi đời sống xã hội. Vì thế, chúng tôi khẳng định rằng hành vi nhận tiền của các bị cáo là hành vi nhận hối lộ.
Các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của mình nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước. Không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa và đặc biệt không thể coi việc các bị cáo nhận một số tiền đặc biệt lớn cho cá nhân mình trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp cả nước chắt chiu, quyên góp cho quỹ vắc xin trong công tác cứu trợ nhằm phòng, chống dịch. Do vậy, một lần nữa chúng tôi khẳng định một cách mạnh mẽ rằng hành vi của các bị cáo là hành vi nhận hối lộ.
Phía Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đánh giá, trong phần thẩm vấn có một số bị cáo lập lờ, đánh lận, cho rằng hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn, đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: BT
Thủ đoạn phạm tội của các bị cáo được thể hiện dưới 2 dạng như sau: Thứ nhất, các bị cáo nhận hối lộ đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền; Thứ hai, hành vi gây khó khăn của người có thẩm quyền trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay dẫn đến các doanh nghiệp chi tiền theo luật bất thành văn thì mới được cấp phép thực hiện chuyến bay.
Trên cơ sở kết quả điều tra và phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đủ cơ sở xác định hành vi nhận hối lộ của 21 bị cáo.
Cụ thể, Nguyễn Quang Linh – cụu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng để trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, cấp phép các chuyến bay. Hành vi của Linh là nhận tiền, sẽ nhận tiền để làm việc theo yêu cầu, đề nghị của Hoàng Anh Kiếm – lao động tự do.
Bị cáo Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận hối lộ số tiền 21,5 tỷ đồng. Căn cứ lời khai nhận của Dũng phù hợp với lời khai của các bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Nguyễn Thị Dung Hạnh, Phan Thị Mai, Trần Thị Mai Xa, Nguyễn Thị Thanh Hằng… hồ sơ cấp phép chuyến bay, sao kê điện tử, có đủ căn cứ xác định, trong quá trình cấp phép chuyến bay combo cho doanh nghiệp, từ tháng 12/2020 đến 1/2022, Tô Anh Dũng nhận hối lộ của đại diện 13 doanh nghiệp số tiền 21,5 tỷ nêu trên.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan – cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng. Tại phiên tòa, Lan đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Đủ căn cứ xác định, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, trong quá trình cấp phép chuyến bay, Lan đã nhận hối lộ số tiền trên của 8 doanh nghiệp.
Bị cáo Phạm Trung Kiên được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là thư ký, trực tiếp giúp việc cho một Thứ trưởng Bộ Y tế, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc trình Thứ trưởng Bộ Y tế ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về việc cấp phép chuyến bay, Kiên đã gây khó khăn cho đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay combo và các doanh nghiệp xin cho công nhân, người lao động về nước phải chi tiền cho Kiên theo mức mà Kiên yêu cầu để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao.
Đại diện các doanh nghiệp đã phải chi phí tiền cho Kiên để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay. Trong vụ án này, Kiên nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp và cá nhân đưa hối lộ số tiền hơn 12 tỷ, đồng thời nhờ các doanh nghiệp khai báo với cơ quan chức năng số tiền chuyển cho bị cáo là tiền vay mượn cá nhân.
Do vậy đối với Kiên, cũng cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất giành cho bị cáo.
Với bị cáo Chử Xuân Dũng – cựu Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông này bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng. VKS đánh giá, đủ căn cứ kết luận ông Dũng nhận hối lộ 7 lần. Còn bị cáo Trần Văn Tân – cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bị cáo này bị cáo buộc nhận hối lộ 5 tỷ đồng trong 9 lần của doanh nghiệp.
Nguồn: Sưu tầm