*Tiếp tục cập nhật.
Hội đồng xét xử khẳng định việc nhận tiền “cảm ơn” là nhận hối lộ
Theo Hội đồng xét xử: Một số bị cáo cho rằng không đòi hỏi, sách nhiễu doanh nghiệp; sau khi cấp phép chuyến bay, họ chỉ nhận tiền cảm ơn, không phải nhận hối lộ. Hội đồng xét xử thấy, Điều 354 Bộ luật Hình sự và Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định không được nhận quà tặng liên quan công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi đơn vị mình giải quyết.
Thời điểm cấp phép các chuyến bay, nhiều doanh nghiệp khó khăn, bị từ chối hoặc không trả lời. Có doanh nghiệp nhận phê duyệt trước một ngày nên thua lỗ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp liên hệ các bị cáo đặt vấn đề nhờ vả, xin cấp phép chuyến bay nhiều hơn với nhiều khách hơn và cấp phép sớm. Chỉ có Phạm Trung Kiên và một số người sách nhiễu, các bị cáo khác không đòi hỏi chi phí nhưng hứa hỗ trợ các doanh nghiệp thân quen rồi nhận tiền cảm ơn. Số tiền này dựa trên số chuyến bay, số khách, cân đối lợi ích của doanh nghiệp, có lần lên tới hàng tỷ đồng. Việc nhận tiền diễn ra nhiều lần với số lượng vượt hàng trăm lần thu nhập bình thường.
Tại tòa, các bị cáo thuộc doanh nghiệp khai không đưa tiền sẽ không được tạo điều kiện; việc đưa tiền là chia sẻ lợi ích, mong được tiếp tục cấp phép. Như vậy, Hội đồng xét xử khẳng định việc nhận tiền “cảm ơn” là nhận hối lộ; không chấp nhận ý kiến của các bị cáo nói chỉ là cảm ơn.
Với nhóm đưa hối lộ, Hội đồng xét xử xác định họ đưa tiền cho nhiều bị cáo để mong muốn được tạo điều kiện. Có doanh nghiệp đưa nhiều lần, số lượng đặc biệt lớn và sau đó, họ được ưu ái tổ chức chuyến bay nhiều hơn tại những thị trường mong muốn.
Việc đưa tiền để mang lại lợi ích là đưa hối lộ, theo Hội đồng xét xử. Các ý kiến bào chữa nói đây là tiền cảm ơn theo văn hóa người Việt là không chấp nhận được.
Tổng số tiền trong vụ án chuyến bay giải cứu
Sau khi tóm tắt diễn biến tại tòa trong 2 tuần trước, Hội đồng xét xử nhận định, các quyết định tố tụng trong vụ án không có khiếu nại, tất cả đều đúng quy định. Về nội dung, trong vụ án có 25 người khác bị cáo buộc nhận hối lộ gần 167 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng số tiền trên 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo 24,5 tỷ đồng.
Theo Thẩm phán, chủ tọa Nguyễn Quang Huy, do bản án dài, nội dung bản cáo trạng đại diện Viện kiểm sát đã đọc đầu phiên toà nên không đọc lại.
Tiếp tục phiên toà, Thẩm phán Vũ Quang Huy đọc lý lịch các bị cáo…
14h chiều nay, chủ tọa Vũ Quang Huy thay mặt Hội đồng xét xử tuyên án sơ thẩm. Ông Chử Xuân Dũng muốn phát biểu nhưng bị bác với lý do, đã thông qua bản án, ông Dũng có ý kiến cần làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền.
Các bị cáo được dẫn giải đến tòa chiều nay.
Các bị cáo bị đề nghị cao nhất án tử hình, thấp nhất 12 – 18 tháng tù cho hưởng án treo
14 giờ hôm nay, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm Tòa án nhân dân TP.Hà Nội sẽ tuyên án các bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương.
Clip đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Nhóm bị cáo ở Văn phòng Chính phủ bị VKS đề nghị mức án:
Nguyễn Quang Linh – cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 4 tỷ đồng, từ 7 – 8 năm tù;
Nguyễn Tiến Thân – cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, từ 6 – 7 năm tù;
Bị cáo Nguyễn Quang Linh – cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: BT
Nguyễn Thanh Hải – cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, từ 7 – 8 năm tù;
Nguyễn Mai Anh – cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ, nhận hối lộ 3 tỷ đồng, từ 6 – 7 năm tù.
Nhóm bị cáo ở Bộ Ngoại giao bị đề nghị mức án:
Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, từ 12 – 13 năm tù;
Nguyễn Thị Hương Lan – cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng, từ 18 – 19 năm tù;
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Ảnh: BT
Đỗ Hoàng Tùng – cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng, từ 9 – 10 năm tù;
Lê Tuấn Anh – cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ gần 1,8 tỷ đồng, từ 4 – 5 năm tù;
Lưu Tuấn Dũng – cựu Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 500 triệu đồng, từ 2 – 3 năm tù;
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan. Ảnh: BT
Vũ Hồng Nam – cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng, từ 4 – 5 năm tù;
Nguyễn Hồng Hà – cựu Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng, từ 5 – 6 năm tù;
Vũ Ngọc Minh – cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola, nhận hối lộ 864 triệu đồng, từ 3 – 4 năm tù;
Lý Tiến Hùng – cựu Bí thư thứ Nhất Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, nhận hối lộ hơn 400 triệu đồng, từ 2 – 3 năm tù;
Trần Việt Thái – cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, từ 5 – 6 năm tù;
Nguyễn Lê Ngọc Anh – cựu Bí thư thứ Hai, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, từ 4 – 5 năm tù;
Nguyễn Hoàng Linh – cựu Bí thư thứ Hai, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, từ 4 – 5 năm tù;
Đặng Minh Phương – cựu cán bộ Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, từ 2 – 3 năm tù.
Nhóm bị cáo ở Bộ Y tế bị đề nghị mức án:
Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng, bị đề nghị tử hình;
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên. Ảnh: Bảo vệ pháp luật
Bùi Huy Hoàng – cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, môi giới hối lộ hơn 3,3 tỷ đồng, từ 3 – 4 năm tù.
Nhóm bị cáo ở Bộ Giao thông Vận tải bị đề nghị mức án:
Ngô Quang Tuấn – cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Giao thông Vận tải, nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng, từ 5 – 6 năm tù;
Vũ Hồng Quang – cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, nhận hối lộ gần 2 tỷ đồng, từ 5 – 6 năm tù.
Nhóm bị cáo ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an bị đề nghị mức án:
Vũ Sỹ Cường – cựu cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 9 tỷ đồng, từ 8 – 9 năm tù;
Vũ Anh Tuấn – cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, từ 19 – 20 năm tù;
Trần Văn Dự – cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, từ 9 – 10 năm tù.
Hai bị cáo là cựu lãnh đạo 2 địa phương là Hà Nội, Quảng Nam bị đề nghị:
Chử Xuân Dũng – cựu Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng, từ 4 – 5 năm tù;
Bị cáo Chử Xuân Dũng – cựu Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hải
Trần Văn Tân – cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận hối lộ 5 tỷ đồng, từ 8 – 9 năm tù.
Với bị cáo Hoàng Văn Hưng – cựu điều tra viên Bộ Công an, người này bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 18,8 tỷ đồng, bị đề nghị từ 19 – 20 năm tù.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – cựu Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội bị xác định môi giới hối lộ hơn 61,6 tỷ đồng, bị đề nghị từ 6 – 7 năm tù.
Ngoài những bị cáo nêu trên, các bị cáo đại diện các doanh nghiệp và đối tượng trung gian cũng bị đề nghị mức án tương xứng.
Một số bị cáo lập lờ, đánh lận, đánh tráo khái niệm
Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội, trong vụ án có 21/54 bị cáo bị truy tố tội “Nhận hối lộ” xảy ra tại một số bộ, ngành, địa phương. Quá trình điều tra, truy tố và thẩm vấn công khai tại phiên tòa xác định, các bị cáo đã có hành vi nhận tiền của các doanh nghiệp để đề xuất, trình duyệt, duyệt, phát hành công văn để cấp phép các chuyển bay đưa công dân về nước.
Trong phần thẩm vấn có một số bị cáo lập lờ, đánh lận, cho rằng hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn. Đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội.
Do vậy, cần phải nhận thức cho đúng đắn để loại bỏ văn hóa phong bì ra khỏi đời sống xã hội. Vì thế, chúng tôi khẳng định rằng hành vi nhận tiền của các bị cáo là hành vi nhận hối lộ.
Các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của mình nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước. Không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa và đặc biệt không thể coi việc các bị cáo nhận một số tiền đặc biệt lớn cho cá nhân mình trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp cả nước chắt chiu, quyên góp cho quỹ vắc xin trong công tác cứu trợ nhằm phòng, chống dịch. Do vậy, một lần nữa chúng tôi khẳng định một cách mạnh mẽ rằng hành vi của các bị cáo là hành vi nhận hối lộ.
Phía Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đánh giá, trong phần thẩm vấn có một số bị cáo lập lờ, đánh lận, cho rằng hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn, đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: BT
Thủ đoạn phạm tội của các bị cáo được thể hiện dưới 2 dạng như sau: Thứ nhất, các bị cáo nhận hối lộ đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền; Thứ hai, hành vi gây khó khăn của người có thẩm quyền trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay dẫn đến các doanh nghiệp chi tiền theo luật bất thành văn thì mới được cấp phép thực hiện chuyến bay.
Trên cơ sở kết quả điều tra và phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đủ cơ sở xác định hành vi nhận hối lộ của 21 bị cáo.
Cụ thể, Nguyễn Quang Linh – cụu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng để trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, cấp phép các chuyến bay. Hành vi của Linh là nhận tiền, sẽ nhận tiền để làm việc theo yêu cầu, đề nghị của Hoàng Anh Kiếm – lao động tự do.
Bị cáo Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận hối lộ số tiền 21,5 tỷ đồng. Căn cứ lời khai nhận của Dũng phù hợp với lời khai của các bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Nguyễn Thị Dung Hạnh, Phan Thị Mai, Trần Thị Mai Xa, Nguyễn Thị Thanh Hằng… hồ sơ cấp phép chuyến bay, sao kê điện tử, có đủ căn cứ xác định, trong quá trình cấp phép chuyến bay combo cho doanh nghiệp, từ tháng 12/2020 đến 1/2022, Tô Anh Dũng nhận hối lộ của đại diện 13 doanh nghiệp số tiền 21,5 tỷ nêu trên.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan – cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng. Tại phiên tòa, Lan đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Đủ căn cứ xác định, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, trong quá trình cấp phép chuyến bay, Lan đã nhận hối lộ số tiền trên của 8 doanh nghiệp.
Bị cáo Phạm Trung Kiên được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là thư ký, trực tiếp giúp việc cho một Thứ trưởng Bộ Y tế, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc trình Thứ trưởng Bộ Y tế ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về việc cấp phép chuyến bay, Kiên đã gây khó khăn cho đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay combo và các doanh nghiệp xin cho công nhân, người lao động về nước phải chi tiền cho Kiên theo mức mà Kiên yêu cầu để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao.
Đại diện các doanh nghiệp đã phải chi phí tiền cho Kiên để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay. Trong vụ án này, Kiên nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp và cá nhân đưa hối lộ số tiền hơn 12 tỷ, đồng thời nhờ các doanh nghiệp khai báo với cơ quan chức năng số tiền chuyển cho bị cáo là tiền vay mượn cá nhân.
Do vậy đối với Kiên, cũng cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất giành cho bị cáo.
Với bị cáo Chử Xuân Dũng – cựu Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông này bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng. VKS đánh giá, đủ căn cứ kết luận ông Dũng nhận hối lộ 7 lần. Còn bị cáo Trần Văn Tân – cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bị cáo này bị cáo buộc nhận hối lộ 5 tỷ đồng trong 9 lần của doanh nghiệp.
Nguồn: Sưu tầm