Chiêu trò tuyển cộng tác viên
Với mong muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nên khi tìm hiểu trên mạng xã hội, thấy quảng cáo đăng tuyển dụng cộng tác viên xử lý đơn hàng trong ngày cho các sản phẩm thương mại điện tử, L.T.P.A., sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Hồng Đức đã tin tưởng và liên hệ làm thử.
Sau khi vào làm, P.A. được giao xử lý một số đơn hàng. Ban đầu những đơn hàng này có giá trị nhỏ chỉ vài trăm nghìn đồng. Sau khi xử lý xong đều được nhận “hoa hồng” đầy đủ. Khi giá trị các đơn hàng lớn dần, có đơn hàng lên đến cả chục triệu đồng, cả tin, P.A. đi vay mượn để có tiền chuyển đủ. Tuy nhiên, sau khi xử lý xong thì không thấy hồi âm, hỏi ra mới biết mình bị lừa.
Tương tự, trường hợp chị P.T.H. (SN 1991, ở huyện Hoằng Hóa) cũng trong một lần lướt facebook thấy quảng cáo đăng thông tin tuyển dụng cộng tác viên xử lý đơn trong ngày cho các sản phẩm thương mại điện tử làm việc tại nhà. Nhận thấy công việc phù hợp với mình, lại đúng lúc đang có nhu cầu nên chị T.H. đã liên hệ qua mạng xã hội xin việc làm.
Sau khi liên hệ, chị được nhân sự của fanpage này hướng dẫn nhiệt tình để trở thành một cộng tác viên mua, bán hàng. Với công việc là thông qua mua sắm online trên Shopee để nâng cao doanh số và mức độ phổ biến các sản phẩm, cửa hàng sẽ trả hoa hồng tùy theo nhiệm vụ và phần trăm hoa hồng tương ứng với sản phẩm.
Tuy nhiên, chị P.T.H., cũng như nhiều người khác chỉ là nạn nhân trò lừa đảo tinh vi của một nhóm đối tượng, cấu kết với nhau để “móc túi” của những người đang khao khát có được việc làm.
Với chiêu trò nhận làm “cộng tác viên mua bán hàng”, đối tượng sẽ gửi một đường link sản phẩm thật trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…, yêu cầu bị hại “tạo đơn hàng” bằng cách thanh toán đúng số tiền của sản phẩm thật vào tài khoản các đối tượng cung cấp, sau đó “hệ thống” sẽ hoàn tiền, kèm theo “hoa hồng”.
Thời gian đầu, những đơn hàng giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được thanh toán sòng phẳng như đã hứa nhằm tạo lòng tin và đánh vào lòng tham vì việc kiếm tiền quá dễ dàng.
Những lần tiếp theo, sau khi có được lòng tin của bị hại, các đối tượng yêu cầu tạo đơn hàng lớn hơn, số tiền chuyển khoản nhiều hơn. Khi đã chuyển tiền tạo đơn thành công các đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do như: Nhiệm vụ chưa hoàn thành, hệ thống bị lỗi, tín nhiệm thấp, bị đóng băng tài khoản…, yêu cầu bị hại phải chuyển thêm tiền cho đơn hàng để được hoàn trả tiền và hoa hồng, nếu không sẽ bị mất toàn bộ tiền trước đó.
Bị hại với tâm lý muốn nhận lại tiền, tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả nên liên tục chuyển tiền cho các đối tượng, đến khi không còn khả năng chi trả, phát hiện đã bị lừa thì sẽ bị các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt.
Hơn một năm khởi tố gần 200 vụ
Mặc dù các hình thức, thủ đoạn lừa đảo không mới và các lực lượng chức năng cũng đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, thế nhưng do thiếu hiểu biết, nhiều người vẫn dễ dàng trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Ngoài thủ đoạn đối tượng giả các trang bán hàng online để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc mua hàng rồi chiếm đoạt, nhiều thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng như: Giả danh nhà mạng thông báo trúng thưởng; giả danh cán bộ công an, tòa án… yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản, hoặc hack facebook, zalo…
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận điều tra, xác minh và đấu tranh xử lý gần 200 vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tổng tài sản bị chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng.
Hầu hết trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đều diễn ra với cùng kịch bản, đó là các đối tượng tội phạm thường lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, sự chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu thông tin kiểm chứng, thậm chí là sự hám lời của bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Thiếu tá Lại Thanh Tùng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Thanh Hóa cho biết: “Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có tính chất đặc thù, khả năng hoạt động phạm tội rộng, các đối tượng phạm tội sử dụng các phần mềm trực tuyến, mạng xã hội như facebook, zalo hay các phương tiện, thiết bị điện tử khác… làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Các đối tượng thường sử dụng những thông tin giả để đăng ký tài khoản cá nhân hoặc dùng các biện pháp ẩn danh, tạo tài khoản ảo, sử dụng máy chủ đặt ở nước ngoài liên hệ với bị hại để thực hiện hành vi phạm tội. Sau khi chiếm đoạt được tiền thì các đối tượng ngay lập tức chuyển vào nhiều tài khoản khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, truy vết và xử lý”.
Thiếu tá Tùng cũng khuyến cáo: “Sự bùng nổ của công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin đã khiến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự biến tướng ngày càng tinh vi và khó phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hơn. Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các cấp, ngành và mỗi người dân sử dụng mạng viễn thông, internet cần tỉnh táo, cảnh giác… Có như vậy mới góp phần kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm này”.
Pháp luật | Tổng hợp tin tức pháp luật mới nhất
Nguồn: Sưu tầm